Hội nghị các doanh nghiệp sản xuất than củi Việt Nam
Ngày 20 – 10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), hơn 40 doanh nghiệp sản xuất than củi đến từ khắp các miền Việt Nam đã tập họp để tổ chức Hội nghị bàn về phương hướng sản xuất, cũng như tìm lối đi mới nhằm phát triển tốt hơn dòng sản phẩm rất đặc thù là: than đen, than trắng, than mùn cưa…
Trong khi nhiều hàng hóa chủ lực của chúng ta như: gạo, thủy sản, nông sản… đang gặp khó khăn trong xuất khẩu thì hai năm trở lại đây một số sản phẩm như: than củi, viên nén mùn cưa… lại đang được bạn hàng nước ngoài ưa chuộng, tìm kiếm đặt hàng, tạo ra những bước tăng trưởng đột biến về xuất khẩu cho lĩnh vực này.Theo đánh giá của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp đã quá chú trọng đến những mặt hàng lớn mà không thấy rằng có những mặt hàng tuy nhỏ như than củi, mùn cưa… lại có hiệu quả rất cao, vì đây là một thị trường ngách và đặc thù. Cũng như thế, trước đây, chúng ta cũng đã từng thấy có nhiều mặt hàng nhỏ như: xơ dừa, rơm rạ… tuy không phải phổ biến nhưng sau này, tổng kết, đánh giá lại thì thấy nó đem lại giá trị khá cao trong xuất khẩu.“Tính từ mấy tháng cuối năm 2015 cho đến nay, có rất nhiều doanh nghiệp đã làm việc với chúng tôi nhằm kết nối và tìm kiếm đầu mối để nhập khẩu than củi vào thị trường Nhật Bản…”, ông Lại Văn Hiệp – Giám đốc Công ty TNHH Nguồn Lực Biển Đông – một công ty chuyên tư vấn, xúc tiến đầu tư mở đầu Hội nghị.
Ông Lại Văn Hiệp – Giám đốc Công ty TNHH Nguồn Lực Biển Đông
Theo ông Hiệp, trong hai năm qua, Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia xuất khẩu than củi chính cho các nước sử dụng nhiều than củi, nhất là thị trường Châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc do có những biến động về nguồn cung và nhu cầu trên thị trường này.“Nhật Bản, Hàn Quốc là 2 quốc gia có nhiều đường bờ biển, hải sản là món ăn thường xuyên và họ đa phần nướng nên cần than củi nhiều, nhu cầu dùng than để sưởi ấm cho mùa Đông của họ cũng là lí do càng làm mặt hàng này tăng cao… Gần đây, do thiếu nguồn cung nên các nước này chuyển qua nhập khẩu từ một số quốc gia Đông Nam á, trong đó Việt Nam là nguồn cung tốt vì thế mặt hàng này đang trở nên rất “sốt” trên thị trường”, ông Hiệp chia sẻ.
Cũng theo Giám đốc Công ty TNHH Nguồn Lực Biển Đông, sở dĩ Nhật Bản, Hàn Quốc hướng tới Đông Nam á, trong đó có Việt Nam hay Lào là do có nguồn than đốt khá tốt ở một số vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Bắc bộ, nhất là có than củi nhập quá cảnh từ Lào – quốc gia có nhiều rừng tự nhiên.
Tham luận tại Hội nghị nhiều DN cho rằng, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm bắt buộc phải đầu tư kỹ thuật hiện đại
Hiện tại, chúng tôi có những đơn hàng lớn từ phía Nhật Bản (thậm chí từ Hiệp hội doanh nghiệp than củi Nhật Bản – lời pv) nhưng chưa dám nhận lời, vì chưa xác định được năng lực cung ứng của các doanh nghiệp than củi Việt Nam, ông Hiệp cho biết.
Chia sẻ tại Hội nghị ông Lại Văn Hiệp – Giám đốc Công ty TNHH Nguồn Lực Biển Đông nhấn mạnh, chỉ nhắm riêng vào hai thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc các doanh nghiệp than củi của Việt Nam cũng đã “vô tư” xuất khẩu, tuy nhiên điều ông Hiệp lo lắng, các doanh nghiệp than củi Việt Nam chưa đủ khả năng để đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu của đối tác cả về lượng và chất, lý do là vì các doanh nghiệp than củi Việt Nam hiện nay sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, quy trình sản xuất thiếu chuyên nghiệp, không chịu đầu tư công nghệ, vào dây chuyền sản phẩm.
Những DN có quy mô nhỏ và vừa lại đồng tình với giải pháp chia sẻ kỹ thuật sản xuất, hợp tác giao thương để tăng sức mạnh cạnh tranh
Tôi e, nếu nhận lời với phía đối tác Nhật Bản các doanh nghiệp than củi Việt Nam sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng phải bồi thường hợp đồng do không đáp ứng đúng, cũng như đảm bảo các yêu cầu về sản phẩm – ông Hiệp khẳng định.
Vốn là quốc gia nông nghiệp, các sản phẩm như than củi, than mùn cưa là những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam. Dù kim ngạch xuất khẩu hiện đã tăng nhưng vẫn chưa xứng đáng với nhu cầu ngày càng cao của các quốc gia cần nhập khẩu.
Với tiềm năng, thế mạnh vốn có, thời gian tới, các sản phẩm than củi, than mùn cưa của Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng vào mức tăng kim ngạch cao hơn nữa. Song để thực hiện được giấc mơ đó, cũng theo ông Hiệp các doanh nghiệp sản xuất than củi cần phải liên kết với nhau, hợp lực thành một tổ chức cụ thể, có phương hướng hành động rõ ràng, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ nhau trong phát triển kỹ thuật, công nghệ sản xuất. Phát huy sức mạnh tập thể của các doanh nghiệp từ đó mới có thể đáp ứng được yêu cầu từ các đối tác.
Các sản phẩm than củi, than mùn cưa được doanh nghiệp đưa đến Hội nghị nhằm phân tích khả năng nâng cao chất lượng
Được biết, Hội nghị các doanh nghiệp sản xuất than củi Việt Nam lần tới sẽ tiếp tục họp bàn về các phướng hướng giải quyết trên. Tạp chí Doanh nghiệp & Đầu tư sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về hoạt động rất đặc thù này.
Quang Hà